Tp.HCM cần thêm hơn 30.000 tỷ đồng để triển khai 3 đoạn còn lại dài 11,3 km nhằm khép kín Vành đai 2. Trước mắt, vào cuối năm nay sẽ khởi công 2 đoạn của Vành đai 2 với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Tập trung khép kín đoạn Vành đai 2 qua khu Đông Tp.HCM cuối năm 2026
Lãnh đạo Tp.HCM cũng như các sở ngành liên quan đang nỗ lực để cuối năm 2024 khởi công một số đoạn tuyến còn lại của Vành đai 2 nhằm kết nối vào cuối năm 2026.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM (Ban Giao thông) hiện đang tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Sở GTVT thẩm định, trình UBND Tp.HCM phê duyệt dự án khép kín Vành đai 2 trong thời gian sớm nhất.
Vành đai 2 Tp.HCM dài gần 65km, trong đó, đã hoàn thành 50km. Phần còn lại, ngoài đoạn 4 (từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh) chưa được đầu tư, 3 đoạn trên địa bàn Tp.Thủ Đức chưa khép kín gồm: đoạn 1 (từ đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp), đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng) và đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa).
Tp.HCM cần thêm hơn 30.000 tỷ đồng để triển khai 3 đoạn còn lại dài 11,3 km nhằm khép kín Vành đai 2. Trong đợt này, Tp.HCM sẽ tập trung triển khai thực hiện đoạn 1 và 2 của dự án với tổng chiều dài gần 6km, tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, các đoạn tuyến còn lại phải được khởi công vào cuối năm 2024. Theo kế hoạch Tp.Thủ Đức sẽ bồi thường, giải phóng 70% mặt bằng trước 30/11 và 100% vào ngày cuối tháng 3/2025, khởi công vào tháng 12 và hoàn thành toàn bộ dự án vào khoảng tháng 6/2027.
Mới đây nhất, Văn phòng UBND Tp.HCM có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi. Theo đó, người đứng đầu UBND Tp.HCM chỉ đạo, với dự án Vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP, đảm bảo tiến độ khởi công trong tháng 12/2024. Sở Giao thông vận tải Tp.HCM được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất liên quan đến ranh dự án đoạn 1, 2 đường Vành đai 2.
Để đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dự án khép kín đường Vành đai 2 sẽ chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 áp dụng cho các trường hợp bị ảnh hưởng đất nông nghiệp; các trường hợp bị ảnh hưởng đất ở nhưng đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo quy định. Nhóm 2 sẽ áp dụng cho các trường hợp bị ảnh hưởng đất nông nghiệp; các trường hợp bị ảnh hưởng đất ở không đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo quy định.
Chủ tịch UBND Tp.Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như kiểm đếm, đo đạc trước khi thông báo thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Bất động sản khu Đông Tp Hồ Chí Minh rục rịch trở lại
Vừa qua, thông tin khép kín Vành đai 2 đoạn qua khu Đông Tp.HCM trở thành chất “xúc tác” tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản khu vực này. Việc khép kín Vành đai 2 được cả nhà đầu tư bất động sản lẫn người dân khu vực mong chờ. Ghi nhận cho thấy, các dự án bất động sản có vị trí gần tuyến này đang rục rịch trở lại.
Một số dự án căn hộ “canh” thời điểm này để manh nha ra thị trường và nhận được sự quan tâm đáng kể từ phía người mua. Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở sơ cấp, giá hợp lý tại khu vực khu Đông ngày càng nhỏ giọt thì sức cầu có dấu hiệu tăng nhịp trong các tháng đầu năm 2024 ở các dự án ngưỡng giá trên dưới 50 triệu đồng/m2.
Chẳng hạn, dự án FIATO Uptown Thủ Đức của Thang Long Real Group liền kề vành đai 2, là dự án căn hộ sơ cấp hiện đại chất lượng hiếm hoi xuất hiện tại khu vực quận Thủ Đức (cũ) ở thời điểm này. Dự án có mật độ xây dựng chỉ từ 25-28% cùng các tiện ích Hub thương mại sầm uất được kì vọng sẽ là “điểm sáng” của thị trường khu Đông Tp.HCM trong năm nay.
Thực tế, bất động sản hưởng lợi từ hạ tầng không còn là vấn đề mới lạ. Khi những dự án hạ tầng được đưa vào khai thác, giao thông liên kết thuận lợi hơn sẽ gây sự chú ý cho cả người mua thực lẫn nhà đầu tư. Đặc biệt là các dự án lớn như metro, đường cao tốc hay vành đai…
Vừa qua, nhiều dự án bất động sản quanh khu vực đường vành đai 2 Tp.HCM đã chờ con đường huyết mạch sớm được khép kín. Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE, các tuyến vành đai, cao tốc, metro sẽ tạo ra xu hướng xây dựng các đô thị ly tâm phát triển. Các hệ thống tuyến đường vành đai sẽ tác động rõ nét đến sự “thay da đổi thịt” của thị trường bất động sản. Thị trường đã từng chứng kiến khá nhiều dự án nhà ở tăng giá nhờ cú hích hạ tầng. Nhà đầu tư vì thế cũng vào đón đầu cơ hội.
Dù dự án đường vành đai 2 không phải là hạ tầng duy nhất đi qua địa phận Tp.Thủ Đức (khu Đông Tp.HCM) nhưng đây được xem là xung lực mới giúp thị trường bất động sản “hồi sinh” sau khoảng thời gian im ắng.
Khảo sát cho thấy, giá nhà đất khu vực này bắt đầu nóng lên. Tại mặt tiền đường Tô Ngọc Vân đang ở mức trung bình từ 120-150 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá nhà đất tại các hẻm nhỏ thuộc tuyến đường này dao động 80-100 triệu đồng/m2. Đi kèm với giá nhà đất, giá văn phòng, mặt bằng thương mại tại Tô Ngọc Vân cũng tăng giá. Đối với phân khúc căn hộ, một số dự án đã đẩy giá dao động trên dưới 100 triệu đồng/m2. Trong bối cảnh nguồn cung sơ cấp khan hiếm thì mức độ tăng giá được cho là còn tiếp tục tăng lên tại khu vực phía Đông Tp.HCM.
Bà Đỗ Thị Thu Giang – Giám đốc dịch vụ tư vấn Savills Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được đẩy mạnh giải ngân, việc giải ngân được thực hiện trên nhiều loại hình khác nhau bao gồm đường bộ, cầu, sân bay, bến cảng và đường sắt. Luật Đất đai sửa đổi sẽ đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng thông qua việc áp dụng các khung giá thị trường.
Đặc biệt, nhiều dự án hạ tầng này đang cải thiện tính kết nối thông qua các đường bộ, cao tốc, cầu và đường vành đai. Điều này giúp kết nối các khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố, cung cấp cơ sở hạ tầng và tiện ích cho cư dân một cách hiệu quả hơn.
Cũng theo bà Giang, việc phát triển cơ sở hạ tầng kéo các khu vực ngoại ô “lại gần” với trung tâm thành phố hơn, giúp làm giảm thời gian di chuyển. Điều này được nhận thấy rõ ràng nhất với mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TODs) như hệ thống Metro, sẽ tạo điều kiện cho phát triển quy mô lớn và mật độ dân cư cao dọc theo tuyến đường, làm cho việc đi lại từ các khu vực ngoại ô trở nên hiệu quả hơn. Việc phát triển ra khu ngoại ô giúp các chủ đầu tư tiếp cận được nguồn đất giá thấp hơn, từ đó có thể phát triển nhà ở có giá cả phải chăng hơn, do chi phí đất thấp hơn.
Thực tế, xu hướng hạ tầng phát triển tới đâu giá trị bất động sản tăng lên tới đó không phải mới, nhưng với quỹ đất đầu tư của thành phố không còn lớn, hiện dự án đường Vành đai 2 được xem như trục đường trung tâm của khu Đông Tp.HCM. Theo đó, các dự án bất động sản nằm trên trục đường này khởi động trở lại và được chú ý cũng là điều dễ hiểu.
Nguồn copy: https://cafef.vn/tphcm-no-luc-noi-lien-vanh-dai-2-vao-cuoi-nam-2026-bat-dong-san-khu-dong-tphcm-ruc-rich-theo-188240617062704924.chn